Những bài văn về 20/11 hay, ý nghĩa và xúc động

Những bài văn về 20/11 hay, ý nghĩa và xúc động

nguyen-thi-truong-thu-thao
Nguyễn Thị Trương Thu Thảo
18/11/2024

Bài văn về 20/11 là một trong những cách tri ân thầy cô đầy ý nghĩa. Cứ mỗi mùa Hiến chương Nhà giáo đến gần, các bạn học sinh lại cùng nhau viết những bài văn đầy xúc động. Tựa như một lời tri ân, biết ơn đến cô thầy đã dạy dỗ mình. Hãy cùng chúng tôi tham khảo những bài văn về 20/11 hay ngay dưới đây!

Black Friday Điện Thoại Vui đã quay trở lại trong năm 2025, click săn ngay deal hot nhất trong mùa lễ hội này!

Dàn ý bài văn về 20/11 dạng thuyết minh sự kiện

Trước khi muốn viết bài văn về 20/11 dạng thuyết minh sự kiện, bạn cần phải nắm chắc cách lên dàn ý chi tiết. Bao gồm 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài. Mời bạn tham khảo ngay dàn ý của một bài thuyết minh dự kiện 20/11 ngay sau đây:

Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt về sự kiện 20/11 bạn muốn thuyết minh.

Gợi ý: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày lễ kỷ niệm để lại nhiều dấu ấn nhất trong em. Những tiết mục tri ân trong hôm đó khiến em không khỏi xúc động về công ơn dưỡng dạy của thầy cô. 

Thân bài: Kể lại chi tiết diễn biến sự kiện đã được giới thiệu ở phần mở bài.

– Trước khi sự kiện 20/11 diễn ra:

  • Thời gian, địa điểm, mục đích của sự kiện 20/11 là gì?
  • Khung cảnh nơi diễn ra sự kiện được trang trí như thế nào, khác biệt gì với ngày thường?
  • Những ai tham dự sự kiện hôm đó (thầy cô, học sinh,..)? Họ mang trang phục như thế nào (trang trọng, lịch sự)? Họ có thái độ như thế nào khi dự sự kiện?
  • Các khâu trong sự kiện 20/11 đã được chuẩn bị hoàn tất chưa? 

– Trong sự kiện 20/11:

  • Sự kiện 20/11 diễn ra với những hoạt động nào theo trình tự thời gian?
  • Từng hoạt động được diễn ra như thế nào? Đâu là hoạt động được mọi người yêu thích nhất? Cảm xúc của mọi người khi xem những hoạt động diễn ra trong buổi lễ như thế nào?
  • Bầu không khí diễn ra xuyên suốt của sự kiện ra sao?
  • Bản thân bạn cảm thấy ấn tượng và ghi nhớ điều gì nhất của sự kiện? Vì sao bạn lại ấn tượng với điều đó?

Gợi ý dàn ý cho bài văn về 20/11 dạng thuyết minh sự kiện

Kết bài: Suy nghĩ, đánh giá của bạn về sự kiện 20/11 như thế nào? Ý nghĩa của sự kiện 20/11 đối với bạn và mọi người tham dự là gì? Lời hứa cố gắng nỗ lực học tập thành tài, không phụ công ơn dưỡng dục của thầy cô.

Bài văn về 20/11 của học sinh tiểu học

“Đã sang tháng 11, cái nắng cuối thu trải vàng như mật ong, mang cả cái hanh khô sắp bước vào đông. Sân trường rực lên bóng cờ, hoa và những bài hát mang nặng ân tình. Ồ, sắp đến 20-11, ngày hội của các thầy, các cô rồi!

Thời gian trôi thật nhanh, đã bước sang mùa thu thứ 5 em học tập ở ngôi trường tiểu học Tô Hiến Thành thân yêu. Đã từ lâu, ngôi trường nhỏ mà nặng nghĩa tình thầy cô luôn gắn liền với tuổi thơ của em.

Nhớ ngày nào, em mới vào lớp 1, em vẫn còn sợ và rụt rè không muốn xa vòng tay cha mẹ mà giờ đây em lại thích đến trường biết bao, thích đến ngôi nhà thứ hai mang tên Tô Hiến Thành. Mỗi năm một lớp, các thầy cô đã luôn bên em, chắp cánh ước mơ cho em. Quên sao được dáng hình cô Liên, cô Hiền, cô Phượng – các cô đã cho em nét chữ, nết người. Và đây, những bài giảng của cô Phương, cô Thản sẽ theo em suốt cuộc đời, sẽ là chìa khóa để em mở cánh cửa tri thức trong những năm tháng tương lai sau này.

20-11 năm nay với em có lẽ sẽ là một kỉ niệm khó quên nhất. Năm sau em sẽ xa mái trường này, xa các thầy, các cô. Nhưng bóng hình các thầy, các cô sẽ in mãi trong tim em. Ngày hôm nay, em chỉ xin dành tất cả cảm xúc của mình qua những dòng chữ này để dâng lên các thầy, cô.”

Trích nguồn: Vũ Lê Thùy Dương - lớp 5A2, trường tiểu học Tô Hiến Thành.

Bài văn về 20/11 của học sinh tiểu học

Đây là một bài văn của cô bé học lớp 5 trường tiểu học Tô Hiến Thành. Những lời văn trong sáng, ngây thơ nhưng vẫn thể hiện sự tri ân đến ngày 20-11. Xen lẫn vào đó là tâm tư tình cảm của cô bé sắp rời xa mái trường. Luôn biết ơn và nhớ về hình ảnh của những người cô đã dạy em từng nét chữ, nết người.

Bài văn về 20/11 của học sinh cấp 2

“Trong cuộc đời của mỗi con người, nếu như cha mẹ là hai đấng sinh thành có công nuôi dưỡng ta từ nhỏ đến lớn thì thầy cô cũng có công không nhỏ. Thầy cô là những người dạy cho ta biết chữ, biết thế nào là lẽ phải trên đời, biết đối nhân xử thế. Đối với những học sinh còn cắp sách đến trường như chúng em thì thầy cô chính là những người cha, người mẹ thứ hai của chúng em.

Tục ngữ, ca dao Việt Nam ta có nhiều câu hay nói về thầy cô: “Kính thầy mới được làm thầy”. Hay: “Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”. Thật vậy, nếu không có thầy cô chỉ dạy thì chúng em sẽ không biết chữ. Thầy cô là những người đã dìu dắt chúng em đi trên con đường học vấn. Từ chỗ chưa biết gì, chúng em dần dần biết chữ, biết đọc, biết viết, biết làm văn, làm toán, biết được những kiến thức phong phú vô tận của nhân loại. Thầy cô đã giúp cho chúng em có được chìa khóa để mở cửa tri thức của cuộc sống. Thầy cô đã vun đắp ước mơ cho chúng em, đưa chúng em đến đỉnh cao của kiến thức, của một tương lai tươi đẹp sau này. Mọi người vẫn thường nói thầy cô là những người lái đò đưa học sinh qua sông. Mỗi khi năm học kết thúc là thầy cô đã đưa học sinh - những con đò cập bến. Hết chuyến đò này đến chuyến đò khác, thầy cô đã đưa biết bao nhiêu chuyến đò trong cuộc đời mình, biết bao thế hệ học trò đã được thầy cô dìu dắt. Công ơn của thầy cô thật là to lớn. 

Con người ta chắc hẳn ai cũng có một thời cắp sách đến trường. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất, thời gian hồn nhiên đáng yêu của lứa tuổi học sinh: ngây thơ, mơ mộng, vô tư, nhút nhát và cả sự tinh nghịch, quậy phá, thậm chí vô lễ với thầy cô… Chính thầy cô là những người đã thay đổi nhân cách cho chúng em, đã uốn nắn dạy bảo cho chúng em biết thế nào là sai, thế nào là đúng, chỉ dẫn tận tình để chúng em trở thành những người công dân tốt vừa có đức, vừa có tài phục vụ cho xã hội, cho đất nước mai sau. Hiện tại, em là học sinh lớp bảy, em rất tự hào là học sinh của trường THCS Bình Mỹ vì em được học trong một ngôi trường có nhiều thầy cô dạy giỏi, có nhiều tâm huyết với học sinh.

Thầy cô rất buồn khi chúng em học yếu, sai phạm lỗi lầm và rất vui mừng khi chúng em học ngày có tiến bộ, học giỏi, có đạo đức tốt. Em rất yêu mến những thầy cô đã dạy chúng em như cô Nhi, cô Hằng, thầy Hồng… nhất là cô chủ nhiệm của em là cô Nhi dạy Anh Văn, người đã có nhiều tình cảm, cùng chia bùi sẻ ngọt, dìu dắt lớp em trong suốt thời gian qua. Sau này ra đời, em không còn đi học nữa nhưng em vẫn nhớ mãi về mái trường, về thầy cô, nhớ về những kỉ niệm thân thương, về người cha, người mẹ thứ hai của em với tất cả lòng biết ơn trân trọng.

Thầy cô: ôi hai tiếng bình thường sao mà thiêng liêng quá. Chúng em mãi mãi nhớ ơn thầy cô: những người được mệnh danh là kĩ sư tâm hồn. Ngày lễ 20/11 gần sắp tới, chúng em sẽ cố gắng học giỏi để dành tặng cho thầy cô những bông hoa điểm mười tươi thắm. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn của chúng em đối với thầy cô. Chúng em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập để không khỏi phụ lòng thầy cô đã có công dạy bảo chúng em bao tháng ngày qua: 

                                         “Thầy cô như thể mẹ cha

                               Kính yêu, chăm sóc mới là trò ngoan”.”

Trích nguồn: Trần Thanh Sương - học sinh lớp 7.

Bài văn về 20/11 của học sinh cấp 2

Bài văn trên là của một học sinh lớp 7 viết về công dưỡng dạy của thầy cô nhân ngày 20/11. Bài văn toát lên được sự yêu thương, biết ơn thầy cô. Bạn học sinh cũng nhấn mạnh sẽ không quên đi những kỷ niệm thân thương về thầy cô sau khi ra đời. Chắc hẳn bất cứ người thầy cô nào cũng sẽ cảm động khi đọc bài văn này.

Bài văn về 20/11 của học sinh cấp 3

“Mái trường - Ngôi nhà thứ hai luôn là nơi lưu lại những dấu ấn đáng nhớ nhất cuộc đời mỗi con người. Ở nơi đó, thầy cô là cha mẹ, bạn bè, là anh em gắn bó với nhau như ruột thịt và cùng nhau tạo nên những kỉ niệm khó phai. Suốt những năm tháng cắp sách đến trường, chắc hẳn ai cũng có ấn tượng với một thầy cô giáo nào đó. Những người để lại cho ta kinh nghiệm suốt đời hay vực ta đứng dạy từng những nơi tối tăm, hay đơn giản là cách giảng bài sâu sắc mà không sao quên được. Tôi cũng vậy, suốt ba năm phổ thông cô Hưng dạy văn là người tôi nhớ nhất.Viết về hình tượng cô giáo ngay từ bé chúng tôi đã được nhào nặn trong trí tưởng tượng đó là cô giáo với mái tóc đen dài bóng mượt, cặp gọn gàng bằng một chiếc kẹp giản dị, da trắng môi đỏ, luôn mặc áo dài thướt tha và dáng đi khoan thai, nhẹ nhàng. Với tôi, chắc chắn đó là cô giáo bước ra từ giấc mơ.

Ngày đầu ngỡ ngàng bước vào lớp mười, buổi đầu tiên gặp gỡ, cô bước vào lớp với cặp kính râm to đen, chúng tôi có chút nhốn nháo và bất ngờ, cô hóm hỉnh giải thích: “Buổi đầu chào cả lớp mà cô giống mafia quá, cô xin lỗi các em nhưng nếu bây giờ cô bỏ kính ra thì cả lớp chắc không ai học được vì sợ vừa vì cười đấy. Cô bị ngã xe, lớp thông cảm cho cô nhé!” và kèm theo đó là nụ cười rạng rỡ. Tôi cũng phát hiện ra rằng không phải cô giáo dạy văn nào cũng có giọng nói ngọt như mía lùi hay lanh lảnh như chim hót. Cô Hưng giọng khá trầm và khàn nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy ngao ngán với tiết văn của cô. Ngày đầu tiên ấy, cô còn giới thiệu và kể thêm vài câu chuyện vui về “cái tên giống tên con trai” của cô. Vậy là giờ dạy mở màn, cô đã đốn tim trọn vẹn bốn mươi lăm thành viên 10A3, đặc biệt là tôi, cảm nhận được một tâm hồn đồng điệu.

Bài văn về 20/11 của học sinh cấp 3

Nhắc đến cô giáo, người ta luôn mường tượng ra sự ân cần, nhẹ  nhàng, dạy dỗ chỉ bảo tận tình, sự nhiệt huyết và yêu trẻ. Cô Hưng cũng không phải ngoại lệ. Nhưng điều đặc biệt hơn cả, cô là người rất cá tính và hiện đại. Cô luôn có cách lôi kéo chúng tôi không thể rời khỏi lời giảng của cô một giây phút nào. Cô vẫn giữ những nét truyền thống của một nhà giáo, không sai lệch về tư tưởng, đạo đức nhưng cô cũng không quên bỏ vào đó một chút cái tôi cá nhân riêng để học sinh có thể nhớ về cô mãi. Ông nội tôi trước đây là một nhà Nho dạy chữ Hán vì vậy ông rất thích con cháu nối nghiệp ông. Mỗi lần về thăm quê, ông lại thủ thỉ với tôi: “Làm giáo viên con nhé! Tôi chỉ biết mỉm cười và lẳng lặng gật đầu”. Tôi yêu trẻ nhưng nóng tính mà ngành giáo luôn cần sự kiên nhẫn và tôi đã tự nhủ rằng “không bao giờ mình thi sư phạm”. Nhưng rỗi mỗi tiết văn của cô lại truyền thêm cho tôi cảm hứng. Tôi sẽ đứng trên bục giảng, thổi hồn vào từng câu chữ và học sinh sẽ quý mến tôi như chúng tôi kính trọng, yêu quý cô bây giờ. Tôi sẽ niềm nở, hài hước và thân thiện giống cô. Tôi sẽ dạy cho những đứa con thứ hai của tôi không chỉ tri thức mà còn cả cách làm người, cách yêu thương cuộc sống, cách gieo lòng nhân hậu với những con người ta chưa từng biết, chưa từng gặp qua mỗi trang sách giống như cô dạy chúng tôi trong mỗi tiết học.

Cô Hưng mang dáng dấp của người phụ nữ hiện đại nhưng cũng không quên đi nét truyền thống trong mình. Không phải phóng đại, nhưng cô là người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Cô luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn trường, nhiều năm đạt danh hiệu Giáo viên xuất sắc. Năm học 2012-2013, lần đầu tiên cô bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 12 mang lại thành tích rực rỡ như thế: Ba giải nhì, một giải ba và một giải khuyến khích, đứng nhất tỉnh năm đó. Ở nhà, hai con của cô luôn là những con ngoan trò giỏi. Hai em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi qua từng năm học. Niềm vinh dự hơn cả là con trai cô từng đạt giải học sinh tỉnh lớp 5. Cô là người giữ lửa và ngọn lửa ấy luôn bùng cháy trong gia đình nhỏ hạnh phúc của cô.

Tôi đang cảm nhận từng ngày trọn vẹn khi còn là học sinh, khi còn được ngồi trên ghế nhà trường. Và tôi không thể nào quên những kỉ niệm thời áo trắng bên bạn bè, trang sức cùng hình ảnh người cô miệt mài bên giáo án. Người đã truyền dạy cho tôi bao tri thức, bao ước mơ và hy vọng - Cô Hưng.”

Trích nguồn: Đỗ Thị Lan Thu - 12A3 - THPT B Phủ Lý (2012- 2015) Cô giáo dạy văn của em.

Bài văn là của một bạn nữ học sinh lớp 12 kể về người cô dạy văn của mình. Những ký ức về cô giáo hiện lên từ những ngày đầu cô nhận lớp đến những bài giảng đầy nhiệt huyết. Trong cô giáo Hưng của bạn nữ là nét đẹp người phụ nữ truyền thống pha lẫn hiện đại. Một người cô mẫu mực khiến cho học sinh cảm thấy yêu thích.

Bài văn về 20/11 của sinh viên Đại học

“Cứ mỗi lần tháng 11 ùa về, đến cái ngày mà cả một năm mới có một lần để nhắc học trò nhớ về thầy cô của mình, nhắc đến ngày Nhà Giáo Việt Nam thì mọi ký ức của thời học sinh lại ùa về. Nhớ những lời căn dặn, những cái vỗ vai, hay cả những lời răn đe nghiêm khắc của thầy cô khi học trò mắc phải lỗi.

Thầy cô là người luôn dành tất cả mọi yêu thương cho đứa học trò của mình, kể cả những đứa học trò mà luôn làm mình phát bực la lớn lên và mời đi ra khỏi lớp. Thậm chí có thể là đình chỉ học môn đó một tuần cũng có.

Thầy cô là người luôn phải chịu đựng bởi bao trò tai quá mà những đứa học trò gây ra, hay thường là những vị cứu tinh của những học sinh bị bắt nạt. Có thể nói thầy cô như là những thần tượng của học trò, hay là người cha, người mẹ thứ hai vậy.

Thầy cô là người đã dạy con nét chữ đầu tiên để rồi sau này, khi con lớn hơn một chút, con mới hiểu sự ân cần của cô, khi cầm tay con uốn từng nét chữ không chỉ đơn thuần là dạy con biết viết, mà nết người của con cũng bắt đầu từ những nét chữ A,B,C. Là người mà phải thức cả đêm để viết lại và cảm nhận bài văn thầy phê “cảm nhận còn hời hợt” bằng tất cả tình cảm, vốn sống của mình. Tất cả những gì thầy cô làm là chỉ mong học sinh của mình sẽ tốt hơn, trưởng thành hơn.

Bài văn về 20/11 của sinh viên Đại học

Nhớ ngày 20/11 năm xưa chắc ai cũng trải qua cái thời mà đòi mẹ phải mua quà để đi tặng thầy cô cho bằng được nhưng nỗi khổ là không dám đi một mình, lần nào cũng phải mẹ kè kè đi ,lúc đó nhỏ có biết nói gì đâu thấy bạn đi mình cũng đi cho bằng được. Quà 20/11 lúc xưa cũng chỉ là dầu gội, bột ngọt, sữa hay cuốn sổ và cái bút, nhà có điều kiện hơn thì xấp vải cho thầy cô may đồ để đi dạy. Lớn lên chút thì đã biết đường đi mua quà cho thầy cô, nhưng đến lúc tặng thì run cầm cập, gặp thầy cô ở trường suốt không sao cả nhưng mà gặp riêng thầy cô thì không dám đến. Nhớ lúc đi tặng quà thì vừa vào phòng, thấy thầy cô là tặng cho thầy cô rồi nói một câu ngắn gọn: 'Mừng Cô (Thầy) 20 tháng 11' rồi chạy cái vèo ra ngoài, để thầy cô phải chạy ra gọi học trò quay trở lại ngồi chơi, nhưng cũng chỉ ngồi được 5 phút rồi 'Cô (Thầy) cho em xin phép'. Đến hôm sau vẫn còn không dám gặp thầy cô.

Lớn lên rồi học cấp 3, ngày 20/11 được xem như là một ngày học nhẹ nhõm của học sinh thì phải - theo tôi nghĩ như thế. Vì ngày 20/11 thường thì thầy cô khuyến mãi không dò bài, học sinh cũng không phải thấp thỏm vì cái giờ dò bài như thường ngày. Đôi khi thì còn được nói chuyện phiếm và nghỉ học luôn môn đó, thường thì lớp trưởng đại diện lớp tặng hoa cho thầy cô rồi thôi, xong cái ngày 20/11.

Nhưng cái ngày 20/11 không phải thầy cô vui vì được nhận hoa và quà của học trò thôi, thầy cô vui vì thấy rằng những đứa học trò của mình đã lớn khôn hơn, thầy cô khi thấy những thành quả của mình tốn bao công sức tâm huyết đạt được thành quả, đó là điều mà làm cho thầy cô tự hào nhất trong đời làm nhà giáo của mình.

Không biết ngày 20/11 của bạn như thế nào nhưng của tôi là một ngày đầy cảm xúc, tuy đi làm xa không thể tới thăm thầy cô được, nhưng không khi nào thầy cô không nhớ tới tôi. Lúc tôi gọi điện thoại chưa kịp nói tên mình thì thầy cô đã nhận ra tôi trước, tôi vui mừng và đôi khi là bật khóc, cho dù lúc đi học tôi có phá, có quậy nhất lớp thì thầy cô vẫn nhớ và cười phì nói: 'Thằng học trò phá nhất lớp của cô nay làm ở đâu rồi, có khỏe không? Năm nay cho gọi điện thoại nhưng năm sau phải về nhà thăm cô đấy nhé!!!'. Trải qua biết bao lứa học trò, bao nhiêu năm nhà giáo mà thầy cô vẫn nhớ học trò của mình, chứng minh một điều là thầy cô luôn dành mọi tâm huyết cho những đứa học trò nhỏ bé, dù có hay nghiêm khắc với mình đi chăng nữa thì cũng dễ hiểu là thầy cô chỉ muốn điều tốt nhất cho mình mà thôi. Chắc điều đó ai cũng cảm nhận được như tôi, vì nếu không có những điều như thế thì bạn có thể thành công hay sống tốt hơn như hiện nay để còn ngồi đọc những dòng tốt viết đây.

Lúc ngồi viết những dòng này thì nhớ lại những trò tai quái của mình đã mang đến cho thầy cô... Sao có thể làm những trò ấy nhỉ, nhưng mà thôi 'Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò' mà, nhưng dù gì thì cũng mong ngày 20/11 sắp đến, hãy bỏ một chút thời gian nếu như được hãy đến thăm thầy cô, thầy cô sẽ không quên bạn đâu, nhưng nếu không được thì hãy dành cho một cuộc điện thoại chỉ năm, mười phút thôi. Đừng chỉ gửi một cái hình lên mạng Xã hội cho thầy cô và kèm theo dòng ngắn ngủn: 'Mừng 20/11, chúc Thầy (Cô) có ngày lễ vui vẻ' là thôi.

Xin cảm ơn những thầy cô đã dìu dắt con từ những ngày đầu tiên học lễ, hậu học văn. Những yêu thương, trân trọng và thành kính nhất là tất cả những gì con muốn những người cô thầy đã dạy dỗ con nên người. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.”

Trích nguồn: Vũ Nguyễn

Cánh cửa Đại Học là khi những cô cậu học sinh đứng vững trên đôi chân của mình. Lúc đó, những kỷ niệm về một thời nghịch ngợm, những trò quậy phá làm phiền lòng thầy cô lại hiện lên rõ ràng. Bài văn trên là của một cậu học sinh đã ra trường. Càng lớn, cậu càng hiểu sâu đậm về sự hy sinh và tình cảm của thầy cô giáo.

Black Friday ngày mấy? Đừng bỏ lỡ cơ hội săn sale cực sốc lên đến 85%! Điện Thoại Vui sẽ bật mí ngay đáp án và những deal hot nhất!

Một số mẫu bài văn về 20/11 ngắn, ý nghĩa

Cùng xem qua những bài văn ngắn về 20/11 hay và ý nghĩa. Bài văn mang nhiều thông điệp về lòng biết ơn, tri ân đến thầy cô giáo.

Cảm nghĩ về ngày 20 11 ngắn gọn

“Trong vòng một năm học, có vô số dịp quan trọng, nhưng trong tâm trí tôi, có một ngày cất giữ ý nghĩa đặc biệt nhất - đó chính là Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11. Trong không khí phấn khích của ngày này, chắc chắn rằng không ít học sinh như tôi đã dành thời gian để suy ngẫm về vai trò của thầy cô giáo trong cuộc đời mình. Những kỷ niệm đọng mãi không thể tả hết.

Tôi không thể quên những lần cô giáo tôi đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức một cách cận kề và tận tâm. Tôi còn nhớ những buổi học khi bụi phấn bay bay trên mái tóc yêu thương của thầy cô giáo, như một biểu tượng của sự hi sinh và nhiệt huyết của họ. Lúc ấy, tôi cảm thấy thời gian trôi nhanh, và thầy cô giáo dường như đã già đi với tốc độ đáng kinh ngạc. Với tôi, học bất cứ ai cũng có thể, nhưng được học từ thầy cô là một niềm hạnh phúc đặc biệt.

Những kiến thức và kỹ năng mà thầy cô đã truyền đạt không bao giờ bị lãng quên. Tôi vẫn nhớ rõ những bí quyết mà họ đã chia sẻ, những cánh cửa mà họ đã mở ra trong văn chương, và những điều kỳ diệu trong toán học mà họ đã biến thành một cuộc phiêu lưu thú vị. Tất cả những kỷ niệm này đọng mãi trong tâm trí tôi, từ những lần bị cô giáo trách mắng vì quên làm bài tập, đến những lần được khen ngợi khi đạt thành tích xuất sắc.

Ngày 20/11, trái tim tôi tràn đầy cảm xúc khó diễn tả, nhưng tôi hiểu rằng đó chính là lòng biết ơn, lòng tôn trọng và lòng yêu quý đối với những người thầy cô - những người đã hướng dẫn chúng tôi qua những khúc sông đầy thách thức đến bến bờ thành công.”

Trích nguồn: Luatminhkhue.vn 

Mẫu bài văn tri ân thầy cô 20/11 hay, ý nghĩa

Bài văn nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngày Nhà giáo Việt Nam. Dịp mà tất cả học sinh sẽ bày tỏ lòng biết ơn và tri ân đến thầy cô giáo. Những lời văn đầy cảm động như một lời tâm tình của học sinh. Nhờ sự giúp đỡ, dạy dỗ của thầy cô mà các bạn học sinh mới nên người.

Bài văn tả ngày 20/11 lớp 3, 4, 5, 6

“Ngày 20/11 luôn đánh dấu một ngày lễ đặc biệt, nơi chúng ta có cơ hội tôn vinh những người thầy, những người cô - những người đã dành cả tâm huyết và lòng nhiệt thành để hướng dẫn chúng ta. Trong những ngày này, toàn bộ cảnh phố như bừng sáng với những quầy hoa tươi thắm với đủ màu sắc rực rỡ. Các cửa hàng lưu niệm cũng trở nên sôi động với sự sôi nổi của những người tìm kiếm món quà đặc biệt.

Mặc dù những món quà này có thể không lớn lao về giá trị vật chất, nhưng chúng chứa đựng những tình cảm tươi đẹp, lòng biết ơn và lòng kính trọng từ những học trò nhỏ bé. Đây là cách mà họ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng đối với những người đã đóng góp vào sự phát triển của họ. Điều này làm cho ngày 20/11 trở nên thật sự đẹp và hạnh phúc.”

Trích nguồn: Luatminhkhue.vn 

Mẫu bài văn về ngày 20/11 ngắn hay

Không cần dài dòng, những lời văn ngắn cũng nêu rõ dịp quan trọng của ngành giáo dục 20-11. Đây là cơ hội tôn vinh những người lái đò cần mẫn vì những học sinh yêu quý của họ.

Bài văn tả ngày 20/11 lớp 7, 8, 9

“Hằng năm, ngày 20 tháng 11, cả đất nước Việt Nam lại cùng nhau chào đón một ngày đặc biệt, một dịp tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô giáo đã luôn hy sinh và tận tụy với sứ mệnh giáo dục. Từ những ngày trước, khắp các con đường, sân trường trở nên rộn ràng với cờ hoa lung linh và biểu ngữ chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Các bạn học sinh trên khắp mọi miền đất nước tràn đầy sự tận tụy, dành thời gian và công sức cho việc tập luyện văn nghệ, viết báo tường, và chuẩn bị những món quà ý nghĩa để gửi tặng những người thầy, người cô giáo đáng kính của mình. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn thúc đẩy sự phấn đấu của học sinh. Họ học tập chăm chỉ hơn, cống hiến sức lực và tri thức để đạt được những bông hoa điểm 10 hoặc điểm 9, những kết quả học tập xuất sắc, những thành tích đáng tự hào để tặng thầy cô.

Những tình cảm biết ơn và yêu thương thuần túy ấy thực sự là sợi dây gắn kết mạnh mẽ, liên kết sâu sắc giữa người thầy, người cô giáo và học sinh. Chúng là nền tảng cho mối quan hệ đẹp và đầy ý nghĩa giữa họ. Ngày 20 tháng 11 không chỉ là một ngày tôn vinh, mà còn là một ngày trọn vẹn, khi tất cả cùng nhau hướng về mục tiêu cao cả của sự giáo dục và truyền đạt những giá trị quý báu cho thế hệ trẻ.”

Trích nguồn: Luatminhkhue.vn

Bài viết về ngày Nhà giáo Việt Nam cảm động

Bài viết này là một trong những mẫu bài văn về 20/11 đầy ý nghĩa. Diễn tả tầm quan trọng của việc tri ân thầy cô. Những con người dành cả một đời vì sứ mệnh giáo dục. Đây cũng là dịp học sinh thể hiện lòng biết ơn của mình qua sự nỗ lực, phấn đấu tốt hơn mỗi ngày.

Mẫu bài văn về 20/11 hay nhất 2025

“Trong chuỗi kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời, ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11 luôn ở vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Nó không chỉ mang đến những trải nghiệm thú vị mà còn ghi dấu một bài học quý báu.

Tôi từng là một học sinh ngoan, có kết quả học tập tốt, và được bạn bè yêu mến. Tuy nhiên, một khía cạnh trong tôi thường xuyên được nhận xét là lạnh lùng và không quan tâm đến người khác. Vào ngày 20/11, tôi mang theo một bó hoa lớn và một món quà tặng cô Yến, giáo viên chủ nhiệm của lớp. Món quà của tôi khiến nhiều người khen ngợi, và tôi tự hào với điều đó. Đám học sinh khác cũng đổ xô đến tặng hoa cho các thầy cô giáo.

Tuy nhiên, bạn thân của tôi, Nhi, đặt ra một câu hỏi mà tôi không hài lòng: 'Tại sao bạn lại chỉ tặng cô Yến mà không tặng cho các thầy cô khác?' Tôi đáp lại một cách lạnh lùng, 'Cô Yến là giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi, chỉ cần tặng cô ấy là đủ rồi.' Đúng lúc đó, cô Yến đến gần chúng tôi mà chúng tôi không biết. Cô nhẹ nhàng nói, 'Tại sao bạn không tặng hoa cho các thầy cô giáo khác? Các thầy cô cũng đã có công dạy cho bạn nhiều kiến thức, bạn cũng phải biết trân trọng công ơn của họ.' Cô Yến tiếp tục, 'Nếu bạn không làm như vậy, bạn sẽ trở thành một học sinh thiếu lễ phép, bạn có biết không? Hãy nhìn xung quanh, cô Linh, người chỉ dạy môn âm nhạc, cũng được học sinh yêu quý và nhận rất nhiều hoa. Đó chính là sự biết ơn của học sinh đối với cô ấy.'

Lời cô giáo nói khiến tôi cảm thấy một cảm xúc đắng cay trong lòng. Tôi tự trách bản thân vì hành động thiếu lễ phép của mình và bị cô nhắc nhở. Tôi không mất thêm thời gian để suy nghĩ, ngay lập tức tôi chạy đến cửa hàng hoa và mua thật nhiều hoa để tặng cho tất cả thầy cô giáo. Đó là lúc tôi cảm thấy thực sự tự hào và hạnh phúc. Ngày đó đã để lại trong tôi một kỷ niệm đáng nhớ, và từ đó, tôi luôn biết trân trọng và biết ơn công lao của các thầy cô giáo.”

Trích nguồn: Luatminhkhue.vn

Bài viết về ngày Nhà giáo Việt Nam ấn tượng

Đây là bài văn viết về 20/11 đáng suy ngẫm. Bài văn nói lên rằng tất cả các thầy cô giáo đều như nhau. Họ là những người giảng dạy bạn, dù là cô giáo chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn. Mỗi một thầy cô đều có nhiệm vụ như nhau là giúp bạn có kiến thức, trở thành một người tốt và có ích.

Mẫu bài văn về 20/11 xúc động

“Hằng năm, ngày 20 tháng 11 luôn là ngày quan trọng để tôn vinh sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thầy cô giáo - những người đã cống hiến cả cuộc đời cho nghề giáo. Vào ngày này, cả nước rơi vào không khí đặc biệt của một ngày hội vĩ đại. Từ các trường học đến những góc phố, biểu ngữ, băng rôn, cờ hoa, và hoa tươi rực rỡ đang nở rộ khắp mọi nơi.

Trong các trường học, học sinh tất bật tham gia vào các hoạt động rèn luyện và chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc để chào đón ngày lễ quan trọng này. Mỗi giờ học trở nên thú vị hơn khi các bạn nhỏ tích cực tham gia phát biểu và thi đua để đạt những bông hoa điểm mười, để từ tận đáy lòng tặng thầy cô giáo những kết quả xuất sắc.

Mùa hiến chương đang nở rộ trên khắp đất nước, tạo ra niềm vui và sự biết ơn sâu sắc cho những người thầy, người cô giáo, những người đã dành cả cuộc đời để truyền đạt kiến thức và hình thành tương lai cho thế hệ trẻ. Đây là mùa của lòng hiếu kính và tôn trọng, nơi tất cả cùng nhau thể hiện lòng biết ơn và trân trọng những giá trị vô giá mà họ đem lại cho chúng ta.”

Trích nguồn: Luatminhkhue.vn

Bài viết về ngày Nhà giáo Việt Nam ý nghĩa

Bài văn thể hiện sự quan trọng và háo hức trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Một dịp mà tất cả mọi người từ già trẻ lớn bé đều quay về bên thầy cô của mình. Sự nô nức còn thể hiện qua những băng rôn treo đầy đường, những bó hoa tươi thắm được các bạn nhỏ chọn lựa kỹ lưỡng.

Bài văn về 20/11 bằng tiếng Anh

“In Vietnam, Vietnamese Teacher’s Day is a day dedicated to showing gratitude and respect to educators. This annual celebration falls on the 20th of November. The atmosphere on this day is nothing short of jubilant. Educational institutions, from primary schools to universities, organize special events to commemorate this occasion. The schools are adorned with colorful decorations, banners, and balloons. Each classroom is thoughtfully decorated with handcrafted tributes to teachers. Students often put on cultural performances, displaying their talents through songs, dances, and skits.

Teachers, particularly female ones, dress beautifully in traditional ao dai or elegant attire. One of the highlights of the day is the heartwarming speeches delivered by students, expressing their deep appreciation for their teachers. Flowers, greeting cards, and small gifts are presented as tokens of gratitude. The overall atmosphere is one of festivity, respect, and gratitude. Vietnamese Teacher’s Day is not just a day off from regular studies; it’s a day for students and the community to recognize and celebrate the dedication of teachers in nurturing future generations. It’s a day to honor the tireless efforts and pivotal role that educators play in shaping the future of the nation.”

Trích nguồn: Nativex.edu.vn

Bài văn về 20/11 bằng tiếng Anh

Một bài văn tiếng Anh sẽ là điều tuyệt vời cho cô, thầy giáo dạy tiếng Anh của bạn hoặc những cô thầy nước ngoài. Truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam được thể hiện nắn nót qua những lời văn, con chữ. Về sự biết ơn, cảm ơn thầy cô đã không ngừng dạy dỗ mình.

Kết luận

Trên đây là tổng hợp những bài văn về 20/11 đầy ý nghĩa và xúc động nhất. Bạn tham khảo và hãy viết ngay một bài văn bày tỏ lòng biết ơn của mình đến thầy cô nhé. Đừng quên tham khảo Điện Thoại Vui để biết thêm nhiều thông tin bổ ích bạn nhé!

Bạn đang đọc bài viết Những bài văn về 20/11 hay, ý nghĩa và xúc động tại chuyên mục Sự kiện trên website Điện Thoại Vui.

avatar-Nguyễn Thị Trương Thu Thảo
QTV

Mình là Thảo, Mình có niềm yêu thích đặc biệt với những gì liên quan đến công nghệ. Những thay đổi, xu hướng với về công nghệ luôn là điều làm mình hứng thú, khám phá và muốn cập nhật đến mọi người. Hy vọng rằng với vốn kiến thức trong hơn 4 năm viết về công nghệ, những chia sẻ của mình sẽ hữu ích cho bạn. Trao đổi với mình điều bạn quan tâm ở đây nhé.

Hỏi và đáp
hello
HỆ THỐNG CỬA HÀNG
dtv

- Gọi tư vấn sửa chữa: 1800.2064

- Gọi góp ý - khiếu nại: 1800.2063

- Hoạt động: 08:00 – 21:00 các ngày trong tuần

Kết nối với Điện Thoại Vui
    facebookinstagramyoutubetiktokzalo
Website thành viên
  • Hệ thống bán lẻ di động toàn quốc.

    cellphones
  • Kênh thông tin giải trí công nghệ cho giới trẻ.

    schannel
  • Trang thông tin công nghệ mới nhất.

    sforum

Bản quyền 2022 – © Công ty TNHH Dịch vụ sửa chữa Điện Thoại Vui – MST: 0316179378 – GPDKKD: 0316179378 do sở KH & ĐT TP.HCM cấp ngày 05/03/2020
Địa chỉ văn phòng: 30B, Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1, TP Hồ Chí Minh – Điện thoại: 1800.2064 – Email: cskh@dienthoaivui.com.vn – Chịu trách nhiệm nội dung: Bùi Văn Định.
Quý khách có nhu cầu sửa chữa vui lòng liên hệ hoặc đến trực tiếp các trung tâm Điện Thoại Vui
dtvDMCA.com Protection Status
Danh mục
Cửa hàngĐặt lịch sửa
Đăng nhập
Xem thêm